Sunday , 15 September 2024

“Đốt tiền” trên không trung

TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ triển khai 6 dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng hàng không với tổng mức đầu tư lên đến 6.050 tỉ đồng.

Trong đó, dự án mở rộng sân đỗ máy bay rộng 21ha và nhà ga hành khách quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư lớn nhất, ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng. Đồng thời, khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tính khả thi của Dự án Nâng cao năng lực khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài.

TCty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, năm 2016, sự quá tải tại các sân bay, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất đã làm tăng giờ bay thực tế so với kế hoạch khoảng 1.392 giờ, đẩy chi phí khai thác của hãng tăng thêm khoảng 188 tỉ đồng.

Hai bản tin trên nói lên điều gì? Đó là sự chậm trễ trong việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã gây lãng phí rất lớn, không phải chỉ các hãng hàng không thiệt hại, mà lãng phí đó là của toàn xã hội.

Không chỉ Vietnam Airlines, các hãng hàng không khác đều cùng tình trạng như vậy, tiền bị “đốt” cả trăm tỉ đồng mỗi năm vì phải bay lòng vòng trên không trung chờ chỗ đậu. Vậy mà việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cứ bàn đến sốt cả ruột. Đầu tư xây dựng lâu dài tính sau, việc gấp nhất là năm nay, ACV tích cực xây dựng thêm nhà ga, bãi đỗ và các đường giao thông kết nối trong sân bay thì sẽ giảm tải rất nhiều, hạn chế được tối đa tình trạng máy bay phải bay vòng vòng tốn kém như đã phân tích.

Máy bay hạ cánh chờ, cất cánh cũng chờ, không chỉ gây thiệt hại cho các hãng, mà ảnh hưởng tới hành khách. Một chiếc máy bay khai thác nhiều tuyến, chỉ cần phải bay vòng mất vài chục phút ở Tân Sơn Nhất là các tuyến khác “máy bay về trễ”. Hành khách than phiền, uy tín của các hãng máy bay bị tổn thương, rồi lại đổ cho hàng không tăng trưởng “nóng”. Rồi đòi hạn chế tăng trưởng hàng không, Việt Nam hạn chế được hãng máy bay trong nước, vậy liệu có hạn chế máy bay nước ngoài đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vì lý do quá tải hay không?

Hạn chế phát triển hàng không thì xây khách sạn, làm cáp treo, sáng tạo các sản phẩm du lịch để phục vụ ai? Kinh doanh như thế nào khi không có khách hàng? Năm 2020 du lịch Việt Nam bằng Singapore?

2.000 tỉ đồng của ACV đầu tư thì cơ sở vật chất, khai thác kinh doanh, thu lợi nhuận cho ACV, nhưng lại giúp cho các hãng máy bay không phải “đốt tiền” trên không trung.

Cùng với ACV, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác tham gia, xã hội hóa hoạt động đầu tư xây dựng cảng hàng không.

Call Now