Ngày 11/1, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) thông báo đang điều tra kiểm soát chất lượng của Boeing sau sự cố một chiếc Boeing 737 MAX 9 bung cửa khi đang bay.
Trong tuyên bố đưa ra, FAA cho biết vụ bung cửa trên chuyến bay của Alaska Airlines vào tuần trước “lẽ ra không được xảy ra và không thể xảy ra lần nữa”.
Cửa thoát hiểm chiếc 737 MAX 9 mang số hiệu 1282 của hãng Alaska Airlines bung ra ở trên không, để lại một lỗ hổng bên hông máy bay khi máy bay đang ở độ cao gần 5 km ngay sau khi cất cánh từ Portland, Oregon, Mỹ, chở theo 177 người. Sau sự cố này, Alaska Airlines đã hủy tất cả các chuyến bay Boeing 737 MAX 9 cho đến ngày 13/1.
FAA cũng yêu cầu dừng bay đối với một số máy bay Boeing 737 MAX 9, đồng thời cho biết sẽ kiểm tra các quy trình của Boeing để đảm bảo máy bay của hãng an toàn khi bay. FAA nêu rõ: “Boeing có thể đã không đảm bảo sản phẩm hoàn chỉnh tuân thủ thiết kế đã được phê duyệt và trong điều kiện vận hành an toàn theo quy trình kiểm tra và thử nghiệm của hệ thống chất lượng”.
Về phần mình, Boeing khẳng định “sẽ hợp tác đầy đủ và minh bạch với FAA và Ủy ban An toàn Giao thông trong các cuộc điều tra”.
Động thái trên của FAA được đưa ra sau khi hai hãng hàng không đang khai thác dòng 737 MAX 9 ở Mỹ, gồm: Alaska Airlines và United Airlines phát hiện phần cứng hoặc các bu lông bị lỏng trong cụm chốt cửa trên máy bay.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 9/1, Giám đốc điều hành (CEO) của Boeing, ông Dave Calhoun đã nhận trách nhiệm về sự cố chiếc máy bay 737 MAX 9 của hãng bị bung một phần thân khi đang bay. Ông Calhoun nhấn mạnh “đó là sai sót, đáng lẽ không bao giờ được xảy ra”, đồng thời cam kết hãng sẽ phối hợp với các nhà quản lý để “không bao giờ lặp lại sự cố”.
Trong một lá thư gửi Boeing, FAA đã yêu cầu nhà sản xuất máy bay Mỹ cung cấp bất kỳ thông tin nào về nguyên nhân cốt lõi và các hành động phải làm để ngăn chặn sự cố xảy ra lần nữa. Boeing có 10 ngày để cung cấp “bất kỳ bằng chứng hoặc tuyên bố nào” cho cơ quan quản lý.
Cuộc điều tra của FAA tách biệt với cuộc điều tra do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) thực hiện. Hồi đầu tuần, người phát ngôn của NTSB, ông Eric Weiss cho biết, dự kiến trong 3 – 4 tuần tới sẽ có báo cáo điều tra sơ bộ.
Sau sự cố trên của hãng hàng không Alaska Airlines, nhiều hãng hàng không không chỉ ở Mỹ mà còn ở nước ngoài đã đình chỉ hoạt động đối với các máy bay Boeing 737 MAX 9. Ngày 11/1, Cơ quan hàng không dân dụng Panama cũng đã tạm đình chỉ hoạt động của 21 máy bay Boeing 737 MAX 9 thuộc hãng hàng không Copa Airlines.
Hãng Copa Airlines có tổng cộng 29 máy bay Boeing 737 MAX 9, song chỉ có 21 chiếc có cửa thoát hiểm khẩn cấp giống máy bay gặp sự cố của hãng Alaska Airlines./.