Chia sẻ với Financial Times – ANA Holdings cho biết họ có ý định đầu tư vào một hãng bay Đông Nam Á từ nhiều năm nay, sau khi huy động được 1,4 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu năm 2012. Đây là một phần trong chiến lược vươn ra quốc tế và tìm kiếm sự hợp lực trong thị trường châu Á. Ông Shinichiro Ito – Chủ tịch ANA cho biết hoạt động này là cần thiết trong bối cảnh phân khúc bay giá rẻ tại châu Á có “quá nhiều” đối thủ.
Tuy nhiên, các cuộc nói chuyện sau đó với nhiều hãng hàng không chưa mang lại kết quả. Năm ngoái, họ đã hủy bỏ kế hoạch mua 49% cổ phần Asian Wings Airways của Myanmar với giá 25 triệu USD, do cạnh tranh tại đây quá khốc liệt.
Việt Nam có thể là thị trường hấp dẫn với ANA. Nhiều công ty Nhật Bản đã tích cực đầu tư vào thị trường này, trong bối cảnh cần giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp của các công ty Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng gấp ba lên 9 tỷ USD giai đoạn 2011-2014, so với 4 năm trước đó -Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (Jetro) cho biết.
ANA có thể có nhiều cơ hội, khi Chính phủ Việt Nam đang tìm kiếm đối tác chiến lược giúp Vietnam Airlines mở rộng, sau khi hãng này bán 5% cổ phần cho nhà đầu tư tại đợt IPO năm ngoái. Một nguồn tin thân cận cho biết Chính phủ còn muốn bán thêm 20% nữa cho một đối tác.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải hồi cuối tháng 9, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) – Phạm Viết Thanh cho biết đối tác Nhật Bản mà doanh nghiệp đàm phán thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và mong muốn đạt thỏa thuận cuối cùng về đầu tư chiến lược.
Theo ông Thanh, bản thân Vietnam Airlines cũng đang xúc tiến thành lập các nhóm đàm phán và xây dựng kế hoạch chi tiết để thương thảo với nhà đầu tư nêu trên. Không chính thức tiết lộ danh tính, song ông Thanh cho biết đây là một nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản.
Tại đại hội cổ đông lần đầu tiên hồi tháng 3 năm nay, Vietnam Airlines công bố sẽ phát hành riêng lẻ hơn 282 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ) cho không quá 3 nhà đầu tư chiến lược (hãng hàng không hoặc nhà đầu tư tài chính). Giá bán cho nhà đầu tư chiến lược được xác định trên cơ sở các điều kiện cam kết hỗ trợ của nhà đầu tư chiến lược, song không thấp hơn 22.300 đồng một cổ phần (mức xác định để IPO). Với mức giá này, Vietnam Airlines dự tính có thể thu về gần 6.300 tỷ đồng từ đợt phát hành. Vốn huy động dự kiến được sử dụng để đầu tư đội máy bay.