Monday , 16 September 2024

Máy bay giá rẻ – khách hàng vẫn thiệt

Khi VietJet Air (VJ) “trụ” lại và phát triển mạnh mẽ, người dân đã kỳ vọng sự cạnh tranh sẽ khiến hàng không VN thay đổi cả về chất và lượng. Nhưng thực tế, dù có tới 4 hãng hàng không đang hoạt động nhưng khách hàng vẫn bị đối xử thiếu bình đẳng trong hầu hết các vấn đề.

Nổi cộm nhất là vấn đề đền bù thiệt hại. Nếu mua vé giá rẻ mà tới trễ trong vòng 40 phút trước giờ khởi hành, khách hàng ngay lập tức phải nộp phí trễ chuyến 440.000 đối với VietJet, 450.000 đối với Jetstar Pacific nhưng mức bồi thường của hãng hàng không trong trường hợp chuyến bay bị hủy hoặc chậm quá 4 tiếng so với giờ cất cánh chỉ từ 200.000 – 400.000 đồng/khách tùy theo quãng đường dài – ngắn với chuyến bay nội địa. Như vậy, cả về thời gian và mức bồi thường, các hãng đều lợi hơn rất nhiều so với khách hàng.

Đáng nói nếu 100% khách hàng tới trễ phải đóng phí trễ chuyến thì tỷ lệ đền bù cho khách ở toàn khu vực miền Bắc chỉ chiếm 0,005% trong tổng số các chuyến trễ, hủy trong 6 tháng đầu năm. Chưa hết, nếu các hãng hàng không giá rẻ thoải mái thay đổi giờ bay và chỉ cần nhắn đi một cái tin cho khách là xong thì ngược lại khách hàng, muốn thay đổi giờ bay dù báo trước cả tuần, cả tháng cũng phải đóng phí rất cao, thậm chí nhiều trường hợp phí chênh lệch còn cao hơn giá vé đã mua.

Nhưng điều khiến khách hàng bức xúc hơn cả chính là văn hóa kinh doanh của các hãng hàng không hiện nay. Rất nhiều khách hàng của VietJet bức xúc phản ảnh, hãng này nhiều lần trễ chuyến sát giờ bay nhưng không phát loa thông báo dẫn đến tình trạng náo loạn trong phòng chờ. Đặc biệt, các chuyến ở thời điểm bay muộn, bay đêm, cảnh khách hàng bức xúc, la lối vì không biết bay giờ nào, có bị đổi cửa ra máy bay hay không diễn ra khá thường xuyên.

Tại sao khách hàng – vốn được coi là thượng đế, lại có thể bị đối xử bất công như vậy? Bởi bầu trời Việt dù không còn là của riêng Vietnam Airlines (VNA) như trước nhưng còn lâu mới hết tình trạng độc quyền với VietJet thống lĩnh phân khúc giá rẻ, còn ở phân khúc trên là vna. Khách hàng thực tế không có nhiều sự lựa chọn. Đặc biệt trong bối cảnh cầu tăng mạnh trong khi hàng không VN tính đến thời điểm hiện tại vẫn duy trì thế chân vạc là VNA, VJ và Jetstar Pacific (mà VNA sở hữu 70% JPA) thì chuyện khách hàng bị đối xử bất công chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.

Thị trường nội địa đã chứng kiến tình trạng độc quyền nhóm, độc quyền phân khúc diễn ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề và ở những nơi đó, khách hàng luôn là người thiệt thòi. Vừa rồi có nhiều doanh nghiệp tuyên bố đầu tư vào hàng không, một số hồ sơ xin cấp phép bay cũng đã được gửi tới Bộ GTVT. Hy vọng sẽ nhanh chóng có thêm nhiều hãng hàng không tham gia để thị trường hàng không thực sự cạnh tranh chứ không chỉ là sự chia lại bầu trời giữa vài hãng với nhau như hiện nay.

Call Now