Monday , 16 September 2024

Chi hàng chục tỷ USD sắm máy bay, hàng không Việt vẫn chủ yếu đi thuê

Trong vòng 3 năm trở lại đây, nhiều hãng hàng không không ngừng mua sắm, thuê thêm máy bay mới khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường mua bán máy bay nhộn nhịp. Từ vị trí “vùng trũng” của hàng không khu vực những năm đầu thế kỷ 21, thị trường hàng không Việt Nam ngày càng nhận nhiều sự quan tâm, đặc biệt là trong khâu mua sắm, thuê máy bay.

Dấu ấn lớn đầu tiên của hàng không Việt Nam là hợp đồng mua 100 chiếc Boeing 737 MAX 200 của Vietjet Air. Việc này khiến các hãng sản xuất máy bay phải nhìn nhận lại thị trường đầy tiềm năng này.

Bạo tay mua sắm

Số lượng hợp đồng mua máy bay của các hãng Việt Nam rất đáng kể, dù thị trường được đánh giá là mới nổi. Đã có những hợp đồng lớn trị giá hàng tỷ USD liên tục được ký kết.

Tháng 5/2016, Vietjet Air có hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX 200 trị giá 11,3 tỷ USD. Thời điểm đó, một lễ ký kết gây tiếng vang lớn giữa hãng hàng không giá rẻ non trẻ và Boeing đã khiến dư luận ngưỡng mộ.

Nguồn tiền và mục đích mua lượng lớn máy bay của Vietjet Air còn gây nhiều tranh cãi, nhưng thương vụ 11,3 tỷ USD đã lần đầu khiến báo chí nước ngoài phải nhìn về thị trường hàng không Việt Nam bằng “con mắt khác”.

Trước đó, vào năm 2014, một hợp đồng mua máy bay lớn cũng được Vietjet Air ký kết. Hãng hàng không giá rẻ này đã đặt hàng mua 63 chiếc từ Airbus, bao gồm 42 chiếc A320 NEO, 14 chiếc A320 CEO và 7 chiếc A321 CEO. Tổng giá trị hợp đồng là 6,4 tỷ USD.

Tháng 9/2016, Vietjet Air tiếp tục đặt hàng mua từ Airbus thêm 20 chiếc Airbus A321 CEO và NEO các loại. Tổng trị giá hợp đồng 2,39 tỷ USD.

Chỉ trong 2 năm, tính riêng các thương vụ lớn, Vietjet Air đã mạnh tay sắm mới 183 máy bay các loại. Tổng giá trị các hợp đồng khoảng hơn 20 tỷ USD. Đây là số tiền khổng lồ, đặc biệt khi đem so với giá trị vốn hóa của hãng hàng không này hiện ở mức 1,8 tỷ USD.

Một “khách sộp” khác của Boeing và Airbus tại Việt Nam là Vietnam Airlines.

Cuối năm 2016, hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã ký liên tiếp 2 hợp đồng lớn mua 11 máy bay Boeing 787-9 và 10 máy bay A350 XWB-900. Giá trị các hợp đồng này không được tiết lộ.

Tuy nhiên, nếu tính theo giá niêm yết của hai loại máy bay này, mức tiền cần chi có thể lên đến 2,6 tỷ USD cho Boeing và 3,1 tỷ USD cho Airbus. Các dòng máy bay này đều là những loại hiện đại nhất thế giới vào thời điểm hiện tại.

Không bạo tay như hai ông lớn, Jetstar Pacific cũng “mở hầu bao” mua về 10 chiếc Airbus A320 CE0 Sharklet, trị giá khoảng 1 tỷ USD vào tháng 7/2016. Đây là lần đầu tiên hãng hàng không giá rẻ này mua máy bay mới.

Mua nhiều nhưng vẫn đi thuê

Mua gần 200 máy bay các loại trong giai đoạn 2014-2016, nhưng tới nay, theo số liệu từ Planespoter, đội bay của Vietjet Air vẫn chỉ biên chế 40 chiếc, gần như toàn bộ là Airbus A320-200 và A321-200 đi thuê, tuổi đời trung bình khoảng hơn 3 năm tuổi.

Chỉ 5 trong tổng số 40 chiếc máy bay này là thuộc sở hữu của Vietjet Air.

Cũng trong thỏa thuận với Airbus năm 2014, Vietjet Air đã đặt thuê khoảng 23 chiếc máy bay từ hãng này, nên nhiều khả năng phần lớn đội bay của Vietjet Air là máy bay đang thuê của Airbus.

Với tuổi thọ của 5 chiếc máy bay mà Vietjet Air hiện sở hữu, có thể thấy đây là 5 chiếc mà đơn vị này vừa nhận hàng từ Airbus, và còn rất mới. Nhiều khả năng hãng hàng không của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo phải đi thuê máy bay là do chưa nhận được đầy đủ máy bay mới theo đơn đặt hàng cách đây 2 năm.

Theo đại diện của Vietjet Air, sở dĩ đa số máy bay trong đội bay của hãng là máy bay thuê vì hãng đã áp dụng nghiệp vụ tài chính sale and lease back -nghiệp vụ mua và bán lại máy bay vốn rất phổ biến trong ngành hàng không, được nhiều hãng áp dụng để xoay vòng vốn trong trung hạn.

Theo nguồn tin, Vietnam Airlines cũng đang chờ nhận 18 chiếc A321 NEO đi thuê. Trong đó, 12 chiếc sẽ được thuê từ tập đoàn Air Lease và 6 chiếc từ tập đoàn Aviation Capital.

Dự kiến hãng nhận máy bay trong giai đoạn 2018-2019.

Không chỉ thuê máy bay cỡ vừa, Vietnam Airlines đã đặt thuê thêm 8 chiếc Boeing 787-10, loại máy bay chở khách cỡ lớn cũng từ tập đoàn Airlease, và dự kiến sẽ nhận máy bay trong giai đoạn 2019-2021.

Theo báo cáo thường niên 2016 của Vietnam Airlines, tại ngày 31/5, tổng số máy bay của Vietnam Airlines bao gồm 99 chiếc. Trong đó, hãng sở hữu 58 chiếc và 41 chiếc là đi thuê, tăng 2 chiếc đi thuê so với đầu năm, bao gồm 3 máy bay loại 70 ghế, 150-180 ghế và 280-300 ghế.

Cụ thể, các máy bay đi thuê của Vietnam Airlines bao gồm 5 chiếc ATR, 17 chiếc Airbus A321; 8 chiếc A330; 7 chiếc A350 và 4 chiếc Boeing B787. Vietnam Airlines cũng đã ký hợp đồng thuê 20 máy bay A321, dự kiến tiếp nhận và đưa vào khai thác từ 2018-2019 để tăng cường phục vụ các tuyến bay nội địa cũng như khu vực.

Theo đại diện của Vietnam Airlines, sở dĩ nhiều doanh nghiệp hàng không phải đi thuê máy bay là do ba lý do chính. Thứ nhất là tính linh hoạt trong kinh doanh, thứ hai là tính kinh tế và thứ ba là đa dạng lựa chọn, có thể duy trì thuê máy bay mới, tuổi đời thấp để phục vụ khách hàng.

Đội máy bay của Vietjet tại thời điểm tháng 3 gồm 39 máy bay với độ tuổi trung bình 3,28. Trong đó, 28 máy bay là dòng A320-200 và 11 máy bay A321-200, giảm 2 chiếc so với đầu năm.

Báo cáo thường niên 2016 của Vietjet Air cho thấy tính đến hết năm 2016, hãng này có khoản tài sản thuê ngoài lên tới 28.090 tỷ đồng, tương đương 1,24 tỷ USD.

Hãng hàng không có thị phần lớn thứ 3 Việt Nam, Jetstar Pacific, hiện chưa sở hữu chiếc máy bay nào.

Số liệu từ Planespoter cho thấy toàn bộ 14 máy bay A320-200 hãng đang vận hàng đều là máy bay đi thuê, trong đó có những chiếc rất cũ, tuổi đời đã lên tới hơn 12 năm.

Chưa được cấp phép bay nhưng Bamboo Airway của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC đã khẳng định sẽ thuê 7 máy bay từ Airbus, nhiều khả năng là dòng A320, để phục vụ các chặng bay đầu tiên.

Nếu được cất cánh, Bamboo Airway sẽ nối thêm vào danh sách những hãng hàng không Việt Nam vận hành chủ yếu bằng máy bay đi thuê.

Call Now